Điểm tin Chăn Nuôi – Thú Y (01/07 – 10/07/2022)

Chuyên mục: Tin tức, Tin tức ngành 0

THUỐC THÚ Y APA | Tổng hợp tin tức ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 01/07-10/07/2022.

Thuốc Thú Y APA cập nhật tin tức tổng hợp ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 01/07/2022 – 10/07/2022.

Bến Tre: Giá thức ăn tăng cao, hộ chăn nuôi ngại tái đàn

Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao từ 50 – 70 ngàn đồng/bao (25kg) so với thời điểm đầu năm 2022. Do vậy, nông dân chăn nuôi tại tỉnh lo ngại tái đàn khi đang chuẩn bị vào đợt chăn nuôi phục vụ thị trường cuối năm.

Đang chuẩn bị vệ sinh chuồng trại để thả gà nuôi vụ mới nhưng bà Nguyễn Thị Thu, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, lo ngại giá thức ăn đang tăng cao, nếu đầu tư vào lúc này thị trường xuất bán gà thịt không tăng xem như lỗ. Bà Thu cho biết, sau Tết Nguyên đán đến nay giá thức ăn tăng 5 lần, mỗi lần tăng từ 8 – 10 ngàn đồng/bao. Hiện giá thức ăn cho gà từ 350 – 370 ngàn đồng/bao (25kg). Bên cạnh đó, chi phí vật tư thuốc, vệ sinh chuồng trại đều tăng.

Bà Nguyễn Thị Thu nhận định, với chi phí tăng như hiện nay, giá bán gà thịt phải từ 65 – 70 ngàn đồng/kg mới hoàn vốn. Nếu xuất chuồng giá thấp xem như cầm chắc lỗ. Nhà vườn hiện nay lo ngại không dám tái đàn, bà Thu cũng chỉ thả khoảng 1.000 con gà, giảm hơn 3.000 con so với các năm trước. Bà Thu mong muốn có chính sách ổn định giá thức ăn, kéo giảm giá xuống để giảm chi phí trong chăn nuôi.

Người dân mong có chính sách ổn định giá thức ăn chăn nuôi để an tâm tái sản xuất. Ảnh: P. Hậu

Cùng nỗi lo với bà Thu, anh Trần Văn Hai, xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam lo lắng khi tái đàn heo trong thời điểm giá thức ăn tăng cao như hiện nay. Anh Hai cho hay, dự định nuôi hơn 300 con heo thịt để phục vụ thị trường cuối năm. Nhưng hiện nay giá thức ăn tăng cao, anh giảm đàn, chỉ nuôi khoảng 100 con.

Theo anh Trần Văn Hai, chi phí đầu tư cho 1 con heo đến khi xuất chuồng hơn 5 triệu đồng/con gồm: heo giống khoảng 1 triệu đồng/con; thức ăn khoảng 3,5 triệu đồng/con; thuốc tiêm ngừa bệnh, thuốc điều trị…, chưa tính công chăm sóc và đầu tư chuồng trại. Với giá bán hiện nay, người chăn nuôi không có lời.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi vừa bị ảnh hưởng dịch bệnh, giá nông sản xuống thấp, thậm chí không bán được, nguồn vốn đầu tư cạn kiệt, nên khó lòng phục hồi như trước đây. Anh Trần Văn Hai lý giải, lúc trước chi phí thức ăn từ 2,3 – 2,5 triệu đồng/con là xuất chuồng nhưng hiện nay thức ăn chăn nuôi tăng cao, người chăn nuôi xem như không có lợi nhuận. Anh Hai chia sẻ, ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ kéo giảm giá thức ăn chăn nuôi, ổn định giá thành để người chăn nuôi an tâm sản xuất.

Chị Phan Thị Bình, cơ sở bán thức ăn chăn nuôi tại huyện Giồng Trôm cho hay, tính từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi heo, gà có 17 lần tăng giá, tổng cộng số tiền các lần tăng giá từ 110 – 140 ngàn đồng/bao (25kg). Các loại thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng đều tăng. Nguyên nhân là do chi phí vận chuyển tăng, nguyên liệu chế biến thức ăn được nhập khẩu tăng lên làm cho giá thành thức ăn chăn nuôi tăng lên. “Hiện nay, người dân lo ngại tái đàn vì giá thức ăn tăng cao, người dân không dám đầu tư. Do vậy, cần có chính sách hợp lý để ổn định giá thức ăn chăn nuôi, giúp người dân an tâm tái sản xuất sau khi bị ảnh hưởng nặng nề dịch Covid-19”, chị Phan Thị Bình chia sẻ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có tổng đàn heo hơn 400 ngàn con, đàn gia cầm hơn 8 triệu con, đàn bò hơn 220 ngàn con, đàn dê hơn 170 ngàn con… do vậy cần nguồn thức ăn rất lớn, nhất là đối với chăn nuôi heo, gà.

Phúc Hậu (Báo Đồng Khởi)


Hà Nội: Siết chặt quản lý vắc xin, thuốc thú y

Hiện các đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc thú y đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, giấy chứng nhận kinh doanh… Tuy nhiên, những vi phạm về buôn bán thuốc thú y hay ghi nhãn sản phẩm không đúng với nội dung đã đăng ký… vẫn còn tồn tại, kéo theo không ít hệ lụy. Vì vậy, siết chặt công tác quản lý thuốc thú y để mang lại hiệu quả cao trong phòng, chống dịch bệnh là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Nhiều khó khăn, bất cập

Hiện nay, số lượng thuốc, vắc xin thú y… sản xuất, lưu hành trong nước đã lên tới hơn 16.000 sản phẩm; trong đó có hơn 180 loại vắc xin của 83 nhà máy sản xuất thuốc thú y đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, đã đáp ứng gần 80% nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán vắc xin, thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm vẫn là vấn đề bức xúc.

Bên cạnh đó, bà Lê Thị Hương ở xã Cao Viên (huyện Thanh Oai) cho biết: “Cửa hàng của tôi chủ yếu bán dược phẩm, vắc xin, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi cho người dân trên địa bàn. Khi người dân tới mua, nhân viên của cửa hàng tư vấn rõ tên thuốc, hạn sử dụng và cách dùng nhưng thực tế họ sử dụng như thế nào thì không giám sát được”.

Cũng về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, trên địa bàn thành phố hiện có 646 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, trong đó có 520 cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán. Nhiều cửa hàng đã chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc thú y nhưng vẫn còn một số cơ sở chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc đã hết hạn; hàng hóa sắp đặt thiếu ngăn nắp; không có hóa đơn mua bán…

Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long cho biết thêm, cả nước có hơn 17.700 cửa hàng, đại lý, nhìn chung đều bảo đảm yêu cầu về cơ sở vật chất; trong đó, có 93,6% số cửa hàng có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở buôn bán thuốc thú y còn thiếu đồng bộ và không thống nhất tại các địa phương; vẫn còn tình trạng vi phạm trong kinh doanh thuốc thú y. Việc buôn bán thuốc thú y nhập lậu, thuốc cấm sử dụng – không có trong danh mục được phép lưu hành gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nông dân.

Xử lý nghiêm vi phạm

Siết chặt quản lý vắc xin, thuốc thú y có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh động vật. Do đó, trong bối cảnh hệ thống thú y cơ sở có nhiều thay đổi, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc lưu thông sản phẩm trên thị trường.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh, để kiểm soát chất lượng thuốc thú y trên thị trường, các cơ quan chức năng cần chú trọng giám sát từ khâu sản xuất ở các nhà máy đến lưu thông sản phẩm; đồng thời công bố rộng rãi các loại vắc xin, thuốc thú y được phép lưu hành để người chăn nuôi biết, mua sử dụng.

Nhằm nâng cao ý thức cho chủ cơ sở kinh doanh thuốc thú y, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về danh mục thuốc thú y được phép lưu hành hoặc cấm sử dụng tại Việt Nam; phổ biến về công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi… Ngành Nông nghiệp Thủ đô cũng thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong đó có thuốc thú y; kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các cơ sở kinh doanh thuốc thú y. Nội dung kiểm tra liên quan đến việc thực hiện các quy định pháp luật trong kinh doanh thuốc, vắc xin, hóa chất, chế phẩm sinh học; giấy đăng ký kinh doanh; điều kiện kinh doanh…

Để chấm dứt tình trạng buôn bán thuốc thú y, vắc xin không rõ nguồn gốc xuất xứ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu, các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cửa hàng, cơ sở bán thuốc thú y; bảo đảm chất lượng thuốc cũng như vắc xin lưu hành. Cùng với đó là tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, khu vực tập kết… nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc thú y không rõ nguồn gốc, nhập lậu qua biên giới…

“Trong quá trình kiểm tra, thanh tra nếu phát hiện vi phạm về kinh doanh, sử dụng thuốc thú y trong danh mục cấm, sản phẩm kém chất lượng hay là hàng giả, hàng nhái cần xử lý kiên quyết, triệt để bằng cách: Thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết. Đối với các cá nhân, tổ chức buôn bán hàng lậu với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, xử lý và truy tố trước pháp luật theo quy định để từng bước đưa việc quản lý buôn bán, thuốc thú y đi vào nền nếp”, ông Phùng Đức Tiến cho biết thêm.

NGỌC QUỲNH (Báo Hànộimới)


Comments are closed.