Tăng cường tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc vụ thu đông

Chuyên mục: Tin tức, Tin tức ngành 0

Hàng năm, vào vụ thu đông, việc tăng đàn và vận chuyển gia súc giữa các vùng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao trong những tháng cuối năm, là nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh trên gia súc.

Để chủ động trong công tác phòng bệnh cho gia súc, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y, cần tiêm vắc xin phòng bệnh theo đúng kỹ thuật để gia súc có miễn dịch đầy đủ, phòng chống được dịch bệnh.

I. Đối với bệnh Lở mồm long móng, Tai xanh

Căn cứ tình hình dịch bệnh cụ thể của từng địa phương, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút Lở mồm long móng (LMLM), Tai xanh và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2016 (văn bản số 262/TY-DT ngày 22/02/2016) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

1. Đối với bệnh LMLM

Theo kết quả chẩn đoán, định type vi rút LMLM của Cục Thú y cho thấy vi rút LMLM lưu hành tại Việt Nam trong năm 2015 và 2 tháng đầu năm 2016 là typ A và typ O.

Căn cứ vào lưu hành vi rút LMLM và nguy cơ xảy ra dịch bệnh của từng địa phương để sử dụng vắc xin phòng bệnh LMLM như sau:

– Sử dụng vắc xin nhị giá (typ A và typ O) tiêm phòng cho gia súc tại những địa phương có lưu hành vi rút LMLM typ A hoặc cả hai typ và những địa phương có nguy cơ cao đối với sự xâm nhập của vi rút LMLM typ A.
– Các tỉnh cần tiêm vắc xin nhị giá là Bắc Kạn, Cao Bằng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Hà Giang, Hà Tĩnh, Kon Tum, Lai châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Trị, Sơn La, Tiền Giang, Yên Bái.
– Sử dụng vắc xin đơn giá typ O tiêm phòng cho gia súc tại những địa phương không có lưu hành vi rút LMLM typ A trong 3 năm gần đây.

Cần tiêm phòng đầy đủ ở các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.

Tiêm phòng vắc xin LMLM cho bò.

2. Đới với bệnh Tai xanh

Theo nhận định của Cục Thú y, dịch Tai xanh xảy ra trên đàn lợn chưa được tiêm phòng vắc xin Tai xanh; trong khi đó vi rút Tai xanh có thể vẫn tồn tại trong môi trường chăn nuôi kết hợp với việc gia tăng những yếu tố bất lợi như tăng mật độ chăn nuôi, vận chuyển giữa các nơi, diễn biến phức tạp của thời tiết ảnh hưởng xấu đến đàn gia súc nuôi làm phát sinh dịch bệnh. Trong thời gian tới, nguy cơ dịch có thể xuất hiện và gây ra các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn các ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao. Các địa phương cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các qui định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan.

Về cơ bản, các loại vắc xin Tai xanh đang được phép lưu hành tại Việt Nam vẫn đảm bảo phòng chống dịch, các địa phương cần tổ chức tiêm phòng, các chủ hộ chăn nuôi lợn cần chủ động tiêm vắc xin Tai xanh cho đàn lợn, đặc biệt đàn lợn nuôi sinh sản.

II. Lịch tiêm phòng vắc xin

1. Lịch tiêm phòng vắc xin cho lợn

Loại vắc xin Lợn con theo mẹ, lợn sau cai sữa Lợn hậu bị Lợn nái chửa Lợn nái nuôi con Lợn đực giống
Cầu trùng 3-4 ngày
Suyễn Lần 1 và 2: 7-10 và 21-23 ngày
Tai xanh Lần 1 và 2: 14 và 42 ngày Trước khi phối giống 30 ngày 14-28 ngày sau khi đẻ 4 tháng tiêm nhắc lại 1 lần
Phó thương hàn Lần 1 và 2: 21 và 28 ngày tuổi Trước khi đẻ ít nhất 15 ngày (đối với vùng dịch)
APP (phòng bệnh viêm màng phổi) Lần 1 và 2: 42 và 70 ngày tuổi
Tụ dấu lợn 35-45 ngày tuổi Trước khi phối giống 3 tuần 12-14 ngày sau khi đẻ Tháng 3-4 và tháng 9-10 hàng năm
Dịch tả lợn 35-45 ngày tuổi Trước khi phối giống 6 tuần 12-14 ngày sau khi đẻ Tháng 3-4 và tháng 9-10 hàng năm
Lở mồm long móng 45-50 ngày Trước khi phối giống 4 tuần 17-19 ngày sau khi đẻ Tháng 3-4 và tháng 9-10 hàng năm
Farrowsure (phòng bệnh pavovirus, đóng dấu lợn, bệnh xoắn khuẩn ) Trước khi phối giống 5 tuần và 2 tuần 14-17 ngày sau khi đẻ Tháng 3-4 và tháng 9-10 hàng năm
LitterGuard (phòng bệnh E.coli, Clostridium) Hoặc Rota/E.coli 2 tuần trước khi đẻ (5 và 2 tuần trước khi đẻ với lợn đẻ lứa 1)

 

2. Lịch tiêm phòng vắc xin cho trâu bò

Tên vắc xin Phòng bệnh Thời điểm tiêm
Tụ huyết trùng trâu bò Tụ huyết trùng Tháng 3-4 và tháng 9-10 hàng năm
Lở mồm long móng Lở mồm long móng Tháng 3-4 và tháng 9-10 hàng năm
Nhiệt thán Nhiệt thán Tháng 3-4 và tháng 9-10 hàng năm

Lưu ý: Lịch dùng vắc xin có thể thay đổi cho phù hợp tình hình dịch tễ từng vùng.

III. Một số lưu ý khi tiêm phòng vắc xin

1. Một số nguyên tắc khi sử dụng vắc xin

– Đối tượng cần phòng bệnh: Vắc xin phòng bệnh nào thì thường chỉ phòng được loại bệnh đó, không phòng được bệnh khác.
– Hiệu lực của vắc xin: Phụ thuộc tình trạng sức khỏe của vật nuôi và chất lượng, cách sử dụng vắc xin.
– Thời gian có tác dụng của vắc xin: Thời gian có miễn dịch sau khi dùng vắc xin là khác nhau tùy loại vắc xin.
– Liều lượng và cách dùng: theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
– Số lần dùng: Tuỳ từng loại vắc xin, động vật cảm nhiễm và tình hình dịch tễ mà số lần sử dụng khác nhau.
– Nếu cùng lúc tiêm hai loại vắc xin thì tiêm ở các vị trí khác nhau theo liều quy định.
– Kiểm tra lọ vắc xin trước khi sử dụng, chỉ sử dụng vắc xin còn đủ nhãn mác, còn hạn sử dụng; không sử dụng vắc xin khi chai nứt vỡ, biến màu, biến mùi và thay đổi trạng thái.

– Thao tác khi sử dụng vắc xin:
+ Khử trùng các dụng cụ dùng để đựng, pha chế vắc xin bằng cách hấp hoặc luộc, sau đó rửa bằng nước sạch (nước đã sôi để nguội). Không được rửa bằng thuốc sát trùng.
+ Sát trùng bằng cồn 70o: tay người thực hiện, vùng da được tiêm, nút cao su của lọ chứa vắc xin.
+ Trong lúc tiêm phòng cần tránh ánh nắng mặt trời vì có thể làm hư hỏng vắc xin (nhất là vắc xin sống nhược độc).
+ Nên tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi 15 – 20 ngày trước khi vận chuyển đi xa và sau 20 – 30 ngày trong trường hợp nhập vật nuôi từ nơi khác về.
– Ghi chép việc sử dụng vắc xin: tên, số lượng, hạn sử dụng, nhà sản xuất vắc xin, ngày tiêm, người tiêm, trạng thái của gia súc trước và sau khi tiêm vắc xin.
– Nên bồi dưỡng cho gia súc trước và sau khi tiêm vắc xin để hạn chế phản ứng vắc xin và đáp ứng miễn dịch được tốt hơn.

2. Phản ứng sau khi dùng vắc xin

– Sau khi dùng vắc xin, vật nuôi có thể bị phản ứng do: các chất phụ trợ trong vắc xin, gia súc quá mẫn cảm, cơ thể đang nung bệnh…
– Tiêm vắc xin có thể gây phản ứng dị ứng: sốt, run rẩy, nôn mửa, thở gấp, nổi mẩn trên mặt da (thường gặp ở lợn).

3. Xử lý vắc xin thừa

Sau khi dùng vắc xin nhược độc cho gia súc, tất cả vắc xin thừa cần tập trung lại và tiêu hủy (dùng nhiệt hoặc hóa chất), các dụng cụ tiêm vắc xin phải rửa sạch và sát trùng ngay.

TS. Nguyễn Thị Liên Hương (TTKNQG)

Comments are closed.