Một là, cần tìm hiểu kỹ thị trường, nhất là thị trường tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật, các chi phí đầu vào trong chăn nuôi để quyết định nhập đàn và tái đàn. Dịp Tết Nguyên đán, người dân thường sử dụng quá nhiều lượng thực phẩm động vật và sản phẩm động vật nên sau Tết phần nào cũng sẽ giảm đi. Vì vậy, không nên nhập ồ ạt trong khi thị trường, nhu cầu đàn có những biến động bất thường. Kinh nghiệm của những người chăn nuôi hiệu quả cho hay, chỉ nhập đàn và tái đàn trong điều kiện mặt bằng giá động vật và sản phẩm động vật trên thế giới và ở Việt Nam tương đương nhau, không chênh lệnh quá lớn và dịch bệnh ổn định. Việc tìm hiểu thị trường để thực hiện tái đàn, nhập đàn gia súc, gia cầm luôn đặt lên hàng đầu, không chỉ để khôi phục phát triển sản xuất, mà còn tạo sự phát triển bền vững trong chăn nuôi vì quan trọng nhất là tạo đầu ra cho sản phẩm.
Hai là, đảm bảo nhập gia súc, gia cầm từ cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, các cơ sở chăn nuôi uy tín có thương hiệu, đặc biệt các cơ sở đã được công nhận về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh để đàn gia súc có chất lượng, có bảo hộ về an toàn dịch bệnh, đã được tiêm phòng các loại vắc xin đầy đủ, được giám sát dịch bệnh của các cơ quan chuyên môn. Được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trong thời gian nuôi và các biện pháp kỹ thuật liên quan đến giống, thời gian miễn dịch giúp cho khả năng sinh trưởng và phát triển tốt. Được nắm bắt thông tin về diễn biến dịch bệnh trong khu vực cũng như trong cơ sở chăn nuôi, từ đó có kế hoạch cụ thể sau tái đàn, nhập đàn.
Trên thực tế, các cơ sở chăn nuôi sản xuất giống có uy tín thường thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh, nhất là việc tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm, con giống xuất ra có bảo hộ, giúp cho người chăn nuôi yên tâm khi sử dụng.
Ba là, thực hiện việc nuôi tân đáo đối với gia súc mới nhập đàn (khoảng 1-2 tuần), trên thực tế nhiều cơ sở chăn nuôi bỏ qua điều này dẫn đến rủi ro vì khi gia súc, gia cầm trong quá trình vận chuyển có thể đi qua vùng dịch, bị nhiễm bệnh hoặc trong quá trình vận chuyển gặp thời tiết bất lợi (nắng, nóng, rét đậm, rét hại) dịch bệnh phát sinh, phát triển. Không thực hiện việc nuôi tân đáo mà cho nhập đàn ngay với gia súc, gia cầm đang nuôi tại cơ sở chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe chung toàn đàn cả mới, cả cũ, thậm trí phát sinh dịch bệnh lớn khó lường.
Tuỳ điều kiện cụ thể tại cơ sở, người chăn nuôi bố trí nuôi tân đáo cho phù hợp, nguyên tắc chung là cho con vật nghỉ ngơi riêng biệt với các loài vật nuôi khác, cho ăn uống đầy đủ để con vật làm quen với điều kiện sống tại cơ sở hiện tại. Sau đó, thực hiện việc nhập đàn và các biện pháp phòng bệnh chung trong toàn trang trại.
Bốn là, chuẩn bị tốt điều kiện về chuồng trại khu chăn nuôi trước khi nhập đàn, tái đàn đó là vệ sinh cơ giới, phun thuốc sát trùng, để trống chuồng (khoảng 5- 10 ngày) nếu là gia súc gia cầm đến kỳ xuất bán, khoảng 1 -2 tuần nếu không may gia súc gia cầm bị dịch bệnh phải tiêu hủy. Trường hợp chuồng nuôi có gia súc, gia cầm ốm chết phải tiêu hủy cần làm thật tốt khâu vệ sinh bằng vôi bột, kể cả dùng đèn khò để diệt khuẩn, để trống chuồng thời gian dài hơn, phun thuốc sát trùng, ngâm nước vôi nền chuồng để tiêu diệt và hạn chế mầm bệnh tái nhiễm xâm nhập.
Năm là, thực hiện nghiêm việc khai báo chăn nuôi với chính quyền địa phương sở tại, đây là điều kiện bắt buộc theo quy định của Luật Chăn nuôi để có sự giám sát của các cơ quản lý Nhà nước và cơ quan chuyên môn. Trường hợp gia súc, gia cầm không may xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phải tiêu hủy bắt buộc sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trường hợp không khai báo chăn nuôi, khi dịch bệnh xảy ra, không những không được hỗ trợ thiệt hại mà còn bị xử lý vi phạm hành chính khi để xảy ra dịch bệnh. Trên thực tế, nhiều trang trại do chủ quan, lơ là không thực hiện việc khai báo, để xảy ra dịch bệnh đã bị xử lý vi phạm hành chính do không chấp hành các quy định về khai báo, phòng chống dịch bệnh.
Đồng thời, thực hiện tốt việc kiểm dịch động vật vận chuyển theo quy định để đảm bảo gia súc khỏe mạnh, có chất lượng tốt khi tái đàn, nhập đàn, đồng thời được hướng dẫn, thông tin về tình hình dịch bệnh ở các nơi. Trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc, gia cầm mới nhập đàn, tái đàn phát sinh vật nuôi có triệu chứng bất thường, ốm chết cần theo dõi, cách ly con ốm và báo cán bộ chuyên môn đến kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng và điều trị, tiêu hủy gia súc, gia cầm ốm chết theo quy định.
Sáu là, thực hiện tốt vệ sinh phòng bệnh sau tái đàn, nhập đàn, đặc biệt đối với gia súc, gia cầm có cung đường vận chuyển xa, thời gian vận chuyển dài ngày. Gia súc, gia cầm ở các vùng, khu vực đang có dịch cần chú ý ngay việc nuôi tân đáo, tiêm phòng, phun khử trùng tiêu độc, đảm bảo mật độ chuồng nuôi để nâng cao sức đề kháng cho con vật.
Đảm bảo chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, có thông tin từ nơi sản xuất, nơi nhập đàn để có chế độ chăm sóc phù hợp, cho gia súc, gia cầm tập làm quen dần với môi trường sống, chế độ ăn tại cơ sở mới. Lưu ý về khẩu phần ăn, lượng nước uống đảm bảo, thông thường gia súc, gia cầm thường giảm ăn hoặc kém ăn trong vài ngày đầu khi đến môi trường mới do sự thay đổi về chuồng trại, thời tiết, khí hậu, người chăm sóc.
Bảy là, hợp tác xây dựng liên kết chuỗi để có sự chủ động hợp tác về con giống, thức ăn, thuốc thú y, vật tư trang thiết bị trong chăn nuôi, các điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng tạo đầu ra cho sản phẩm khi tái đàn, nhập đàn. Nắm bắt thông tin về tình hình và diễn biến dịch bệnh để có kế hoạch chăn nuôi. Ở những nơi, những vùng đang xảy ra dịch, không nên tái đàn, nhập đàn vì nguy cơ lây nhiễm bệnh và tỷ lệ rủi ro là rất cao. Không nhập gia súc, gia cầm ở nơi đang xảy ra dịch, trong quá trình vận chuyển, hạn chế tối đa việc vận chuyện gia súc, gia cầm đi qua vùng có dịch.
Hy vọng, người chăn nuôi thực hiện tốt những lưu ý trên để khi tái đàn gia súc, gia cầm có hiệu quả, tránh rủi ro, thiệt hại về kinh tế trong chăn nuôi.
TS. Nguyễn Ngọc Sơn
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam