Bệnh tụ huyết trùng trên heo

Bệnh tụ huyết trùng là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn tụ huyết trùng gây ra. Bệnh có tỷ lệ chết cao, có thể ghép với suyễn, đóng dấu heo, phó thương hàn và dịch tả heo.

1. Đặc điểm, nguyên nhân

– Hầu hết các loài gia súc, gia cầm, động vật hoang dại đều mắc bệnh. Heo (lợn) ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, phổ biến ở heo từ 3 – 6 tháng tuổi.
– Vi khuẩn tụ huyết trùng có trong cơ thể heo khỏe mạnh thường tập trung ở niêm mạc đường hô hấp. Khi có yếu tố bất lợi như thời tiết thay đổi đột ngột, chuyển đàn, dinh dưỡng kém… thì vi khuẩn sẽ phát triển thành bệnh. Bệnh truyền trong đàn qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với các chất thải, dụng cụ chăn nuôi có mang mầm bệnh.

CẬP NHẬT GIÁ HEO HƠI ⇒ CÁC LOẠI THUỐC THÚ Y VÀ CÔNG DỤNG

2. Đường truyền lây

– Lây lan qua đường tiêu hoá và hô hấp. Lây trực tiếp từ gia súc ốm, chết.
– Lây gián tiếp qua dụng cụ, thiết bị chăn nuôi, thức ăn, nước uống…

3. Triệu chứng

Thời gian ủ bệnh 1 – 14 ngày, thường có 2 thể bệnh:
Thể cấp tính
– Heo sốt cao trên 410C; nằm li bì, khó thở, thở dốc; ngồi thở ở tư thế như chó ngồi. Heo kém ăn hoặc bỏ ăn hoàn toàn.
– Vùng hầu, mặt có biểu hiện sưng phù, tai và bụng xuất hiện nhiều mảng tím đỏ. Niêm mạc mắt tím tái, nước mũi chảy ban đầu màu nhờ đục, sau có lẫn máu.

Heo mắc bệnh tụ huyết trùng (sưng hầu, da tụ huyết).
Heo mắc bệnh tụ huyết trùng (sưng hầu, da tụ huyết).

– Bệnh tiến triển 1 – 2 ngày hoặc kéo dài đến 5 – 10 ngày. Heo gầy yếu dần rồi chết, nếu không chết chuyển sang thể mãn tính.

Thể mãn tính
– Đây là thể thường gặp, heo gầy yếu, ho, khó thở, đôi khi ho khan hoặc ho liên miên.
– Lúc đầu đi phân táo sau chuyển sang ỉa chảy, phân có mùi khó chịu.
– Trên da có những đám xuất huyết tím bầm, đặc biệt ở tai, bụng, phía dưới đùi và bẹn.
– Nếu không điều trị kịp thời, tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, heo sẽ chết sau 1 – 2 tháng.

4. Bệnh tích

Thể cấp tính
– Xoang ngực, xoang bao tim và xoang phúc mạc tích nhiều nước.
– Phổi viêm nặng, màu đỏ sẫm do tụ huyết và xuất huyết. Phổi bị xơ hóa có nhiều điểm hoại tử, màng phổi viêm dính vào lồng ngực.

Bệnh tích Tụ huyết trùng heo (phổi tụ huyết, xuất huyết).
Bệnh tích Tụ huyết trùng heo (phổi tụ huyết, xuất huyết).

– Các hạch ở hầu họng và hạch màng treo ruột sưng to và tụ huyết.
– Tụ huyết, xuất huyết ở nhiều cơ quan bên trong.
– Thận ứ máu đỏ sẫm, mổ ra có máu cục, lá lách sưng to, tụ huyết.

Thể mãn tính
– Heo thường rất gầy. Phổi viêm với nhiều tổ chức xơ hóa, có thể có ổ hoại tử bã đậu.
– Có hiện tượng viêm khớp có mủ, gây đau chân và đi lại khó khăn.

5. Chẩn đoán

– Dựa vào các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh và dịch tễ từng vùng.
– Phân lập căn nguyên gây bệnh.

6. Phòng trị bệnh

6.1. Phòng bệnh

Vệ sinh phòng bệnh
– Chuồng nuôi phù hợp với từng loại heo và độ tuổi khác nhau, có tường bao, rào chắn. Chuồng trại luôn thông thoáng, đủ ánh sáng, mát về mùa hè, ấm về mùa đông.
– Thường xuyên quét dọn, định kỳ tẩy uế, khử trùng chuồng nuôi, cọ rửa và tiêu độc máng ăn, máng uống và các dụng cụ chăn nuôi, quần áo bảo hộ…
– Sau mỗi đợt nuôi, phải vệ sinh chuồng trại và khử trùng tiêu độc, sau đó để trống chuồng. Heo mới mua về phải nuôi cách ly ở khu vực riêng 15 – 20 ngày trước khi nhập đàn.
– Phân, rác và chất thải trong chuồng cần được thu gom thường xuyên, đưa ra chỗ tập trung riêng để giữ chuồng luôn sạch sẽ.
– Hạn chế phương tiện, người và vật lạ vào khu vực chăn nuôi.

Thường xuyên dọn dẹp chuồng trại để hạn chế dịch bệnh. Ảnh: Thanh Nhã.
Thường xuyên dọn dẹp chuồng trại để hạn chế dịch bệnh. Ảnh: Thanh Nhã.

Các biện pháp khử trùng tiêu độc
– Sử dụng ánh nắng mặt trời để phơi máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi.
– Quét nước vôi pha loãng nồng độ 10% (1 kg vôi/10 lít nước) trong chuồng nuôi, môi trường xung quanh.
– Dùng một số hóa chất sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Vệ sinh thức ăn và nước uống
– Thức ăn, nước uống phải đảm bảo vệ sinh.
– Bệnh tụ huyết trùng là bệnh truyền nhiễm có tính chất thổ nhưỡng, vi khuẩn cư trú ở khắp nơi gặp điều kiện thuận lợi là phát dịch.

Phòng bệnh bằng vaccine
– Đây là biện pháp chủ động, tích cực và có hiệu quả nhất, 1 năm tiêm 2 – 3 lần tùy theo mục đích chăn nuôi và dịch tễ từng vùng. Lần 1 tiêm khi heo 45 – 50 ngày tuổi, sau đó tiêm nhắc lại cứ 6 tháng 1 lần.
– Lưu ý: Những nơi thường xuyên có dịch xảy ra, cần tiêm vaccine nhắc lại 2 lần sau lần 1 khoảng 3 – 4 tuần, sau đó tiêm nhắc lại cứ 6 tháng 1 lần.

6.2. Điều trị bệnh tụ huyết trùng

– Có thể dùng một số thuốc như APA Tula I, APA OXYTETRA 10 P, APA OXYTETRA 10 I, APA CEFTIOFUR S, APA COTRIM 24 I, Streptomycin, Kanamycin, Ampikana, Oxytetracyclin… liều theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Kết hợp bổ sung vitamin, thuốc trợ sức, trợ lực cho heo.

Phòng và trị các bệnh đường hô hấp trên heo

– Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh, sát trùng chuồng nuôi và môi trường xung quanh.

*Mầm bệnh tụ huyết trùng lần đầu tiên được Bollinger phát hiện trên bò vào năm 1878 ở Munic, Đức. Những năm tiếp theo, nhiều nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra mầm bệnh này ở các loài động vật khác nhau như ở thỏ vào năm 1881, lợn năm 1886, trâu vào năm 1887. Từ năm 1959 đến năm 1976, Pavri và Apte đã ghi nhận vi khuẩn tụ huyết trùng gây bệnh cho hươu, nai, chó,mèo, ngựa, chồn, khỉ…

*Năm 1880, Louis Passteur lần đầu tiên phân lập vi khuẩn gây bệnh trên xác chết gà. Sau đó, nhiều nhà khoa học cũng phân lập được vi khuẩn gây bệnh tương tự trên các loài động vật khác nhau. Năm 1887, Trevisan đề nghị đặt tên vi khuẩn gây bệnh tụ huyết trùng là Pasteurella để ghi nhớ công ơn của Louis Passteur.

*Từ năm 1887 đến nay, bệnh tụ huyết trùng được phát hiện ở nhiều nước trên thế giới, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều nước, đặc biệt là các nước nhiệt đới nóng ẩm thuộc châu Á như các nước Đông Dương, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia.

*Ở Nhật Bản, bệnh được phát hiện vào năm 1923, song không gây thành dịch và không thể hiện dịch tễ. Bệnh cũng được phát hiện ở Vườn thú Quốc gia Mỹ vào năm 1912.

*Đến năm 1984, Tổ chức Dịch tễ Thế giới chính thức công bố bệnh tụ huyết trùng trên trâu, bò và phân loại bệnh vào bảng B trong danh mục các bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm ở gia súc. Đến năm 1992, bệnh xảy ra ở châu Phi và gây thiệt hại nghiêm trọng cho đàn gia súc.

*Ở Việt Nam, trong những năm 1970, có 80% ổ dịch và 84% gia súc thiệt hại do bệnh tụ huyết trùng thuộc các tỉnh phía Nam. Đến năm 1990, phân bố địa lý của bệnh nghiêng về các tỉnh phía Bắc, số địa phương có dịch tụ huyết trùng cũng tăng lên nhiều, hàng năm có tới 20 – 25 tỉnh thông báo có bệnh lưu hành.

TS. Nguyễn Thị Liên Hương – Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Comments are closed.