Triển khai nhiệm vụ phòng chống Dịch Bệnh Động Vật những tháng cuối năm 2021

Chuyên mục: Tin tức, Tin tức ngành 0

Sáng ngày 17/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố và đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.

Theo Phó Cục trưởng Cục Thú Y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Long, nguy cơ các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản lây lan diện rộng ảnh hưởng lớn đến kinh tế, sức khỏe cộng đồng, thậm chí là cả tính mạng người dân là rất cao, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Do đó, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị này nhằm bàn giải pháp kiểm soát dịch bệnh động vật, phòng chống dịch bệnh trên động vật.

Ông Long cho biết, từ tháng 2 năm 2019, Dịch tả heo châu Phi (Dịch tả lợn châu Phi, ASF) đã xảy ra và đến nay vẫn tiếp tục diễn ra trên phạm vi cả nước. Sau đó, từ tháng 10 năm 2020 đến nay, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò (LSD) đã xâm nhiễm vào Việt Nam và lây lan trên 51 tỉnh, thành phố. Đặc biệt từ tháng 6 năm 2021 đến nay, bệnh cúm da cầm do chủng H5N8 cũng lần đầu tiên xâm nhiễm và lây lan ra 10 tỉnh thành phố.

Theo ông Nguyễn Văn Long, trong thời gian tới, để tránh tình trạng dịch chồng dịch (dịch bệnh động vật và dịch bệnh Covid-19), đề nghị các địa phương quan tâm tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp – Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh. (Báo Kon Tum điện tử)

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh trọng điểm nuôi tôm, cá tra ở phía Nam. Nhiều địa phương đã và đang thực hiện giãn cách xã hội, một số hoạt động sản xuất, lưu thông (con giống, chế phẩm xử lý môi trường, thuốc thủy sản, thức ăn thủy sản), tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật thủy sản…, cũng gặp khó khăn; hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh thủy sản tại thực địa, hoạt động giám sát chủ động dịch bệnh bị ảnh hưởng.

Ông Long đề nghị các cơ quan thú y, thủy sản của địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động sử dụng các hình thức phù hợp (qua điện thoại, mạng xã hội…) để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thiết thực cho người nuôi trồng thủy sản, các doanh nghiệp, không để gián đoạn chuỗi cung ứng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất và phòng chống dịch.

Các cơ quan thú y, thủy sản của địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan, căn cứ tình hình thực tế dịch Covid-19 trên địa bàn, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và kế hoạch của các địa phương.

Đại diện lãnh đạo Cục Thú y cũng đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, giai đoạn 2022 – 2030; Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 – 2030; cho phép xây dựng dự thảo Nghị định riêng biệt về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, hiện nay đang được thực hiện theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP nhưng việc sửa đổi, bổ sung nghị định này gặp nhiều khó khăn, phức tạp vì liên quan đến nhiều lĩnh vực.

“Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch; một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe và tính mạng của người dân” hoàn toàn đúng cho phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là các bệnh gây tổn thất lớn về kinh tế, bệnh truyền lây giữa động vật và người, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Long cho biết.

Báo cáo tham luận tại hội nghị, đại diện lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh, thành đều nhận định, dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho việc triển khai phòng chống dịch bệnh những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, ý thức phòng, chống dịch của một bộ phận người chăn nuôi còn hạn chế cũng gây ra nhiều khó khăn cho phòng chống dịch.

Các địa phương cũng nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm triển khai phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản những tháng còn lại năm 2021. Đồng thời, các tỉnh đề xuất, kiến nghị việc điều chỉnh khung pháp lý cho phù hợp, chính sách hỗ trợ trong phòng chống dịch như: cơ chế, quy định chung về định mức thuê lao động xử lý ổ dịch, chế độ trực chống dịch và các hoạt động có liên quan; hướng dẫn cụ thể các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên nhuyễn thể…
Tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản chiếm tỷ trọng rất lớn, đạt 49,45% trong ngành nông nghiệp.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bạc Liêu. Ảnh: C.L (Báo Bạc Liêu)

Trong hơn 8 tháng của năm 2021, số gia cầm cả nước đạt hơn 515 triệu con, 26,67 triệu con heo, đàn bò tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2020, đàn trâu giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt khoảng trên 4,5 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 11,4 tỷ quả, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020; thủy sản đạt xấp xỉ 5,7 triệu tấn cả khai thác và nuôi trồng.

Để có được kết quả này, vai trò rất quan trọng của ngành thú y là rất quan trọng. Trong bối cảnh dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản diễn biến phức tạp, nhưng ngành thú y đã chủ động phòng ngừa, lường trước những tình huống xảy ra, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định.

Tuy nhiên theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thiệt hại do dịch bệnh gây ra khá lớn, đã có khoảng 94 nghìn con heo bị tiêu hủy do dịch tả châu Phi trong 8 tháng năm 2021. Nếu tổng kết cả năm có lẽ con số tiêu hủy lên tới hơn 100 nghìn con heo và 30 nghìn con trâu bò bị tiêu hủy. Từ đầu năm đến nay, cũng có đến hơn 400 nghìn con gà phải tiêu hủy. Về thủy sản, có hàng nghìn ha tôm nhiễm bệnh; bệnh dại làm chết 40 người và khoảng 500.000 người bị chó nghi mắc dại cắn buộc phải đi điều trị dự phòng, gây tổn thất về kinh tế khoảng 600 tỷ đồng. Tổng thiệt hại do dịch bệnh gây ra ước tính hơn 1.500 tỷ đồng, chưa kể ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn thực phẩm và sản lượng, tăng trưởng xuất khẩu.

Ông Tiến cho biết, làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nghiêm trọng khiến chi phí sản xuất tăng cao, trong khi sản phẩm đầu ra lại xuống thấp.
Để phát triển chăn nuôi và thủy sản thì thú y là biện pháp hàng đầu. Với vai trò quan trọng trong ngành, Bộ NN&PTNT trong nhiều năm đã chuẩn bị văn bản mang tính khung pháp lý đối với lĩnh vực thú y.

Trước bối cảnh khó khăn cả về dịch bệnh động vật, thủy sản và dịch Covid-19 chúng ta phải thể hiện quyết tâm, mang tính chủ động. Đây cũng là nguyên nhân tổ chức hội nghị này. Trên cơ sở báo cáo đánh giá thực trạng dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản để cùng bàn giải pháp phòng chống dịch bệnh có hiệu quả từ nay đến cuối năm và đạt được các mục tiêu về chăn nuôi thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết.

Tại hội nghị, đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cho biết, những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến tăng trưởng của ngành chăn nuôi như: cản trở người chăn nuôi tiếp cận nguồn đầu vào, vật tư và thiết bị; người chăn nuôi có thể giảm đàn để tiết kiệm chi phí; giảm năng lực của người chăn nuôi thực hiện các hoạt động thú y – an toàn sinh học, tiêm phòng, điều trị bệnh.

Tổng Hợp

 

Comments are closed.