Kỹ thuật nuôi bò thâm canh

Chuyên mục: Tin tức, Tin tức ngành 0

Nuôi bò thâm canh là phương thức nuôi nhốt tại chuồng, phù hợp những địa phương có không gian hạn chế, với ưu điểm là kiểm soát được nguồn thức ăn nên tăng khả năng tăng trọng và kiểm soát bệnh tốt hơn.

Chuồng trại

Chuồng trại cần phải thuận tiện cho quá trình vệ sinh cũng như chăm sóc, nuôi dưỡng bò.

Chuồng được xây dựng ở khu đất cao ráo, thoáng mát, cuối hướng gió, thoát nước, tốt nhất là xa nhà ở, xa khu dân cư. Khi điều kiện chật chội thì cần bố trí hợp lý để có thể làm vệ sinh tốt được.

Chuồng nuôi thâm canh có diện tích 8 m2/con, diện tích sân chơi, vận động 20 m2/con, nền chuồng được láng bằng xi măng.

Ðối với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở nước ta, tốt nhất là xây chuồng theo hướng Nam hoặc Ðông Nam. Tuy nhiên, phải tùy thuộc vào địa hình, vị trí cụ thể và chế độ tiểu khí hậu của từng vùng mà xác định hướng chuồng thích hợp.

Cần có máng ăn, máng uống tại chuồng và chủ động cung cấp nước uống đầy đủ cho bò, chiều cao của máng từ 15 – 25 cm, chiều rộng 35 – 40 cm.

Có hố chứa và ủ phân bố trí ở cuối chuồng hoặc xây công trình khí sinh học để xử lý phân thải. Cần có rãnh thoát nước phía sau chuồng để tập trung nước thải vào hầm biogas hoặc hố gas, độ dốc đảm bảo khoảng 5 – 8%.

Xung quanh chuồng nên trồng cây bóng mát.

nuôi bò thâm canh

Nuôi bò thâm canh cho năng suất, hiệu quả cao Ảnh: ST

Chọn giống

Ðối với bò thịt: Chọn bò lai F1 (50% máu ngoại) trở lên, tốt nhất là bò đực lai F2 (75% máu Zebu) hoặc F1 (BBB x lai Zebu), kết cấu ngoại hình rắn chắc, u vai (bướu), yếm và rốn phát triển, tai to, mông rộng, vai nở, ngực sâu, 4 chân thẳng to. Ðối với bò loại thải nuôi thịt nên chọn con có bộ khung xương to.

Ðối với bò sinh sản: Chọn bò lai F1 trở lên, có ngoại hình đẹp, sức khoẻ tốt, tầm vóc lớn (bò địa phương phải có trọng lượng từ 160kg trở lên), đầu và cổ phải thanh nhẹ, cân đối, ngực sâu rộng và nở nang, lưng dài rộng, bụng to tròn, có hàm răng đều đặn, trắng bóng, mông nở. Bầu vú phát triển và phân bố đều đặn, bò động dục lần đầu khoảng 18 – 21 tháng tuổi. Khoảng cách giữa 2 lứa đẻ ngắn (mỗi năm 1 lứa).

Thức ăn

Thức ăn thô xanh: Cỏ tự nhiên và cỏ trồng như cỏ Voi, Ghinê, VA06… Ngoài ra, nên tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, mía, lạc để nuôi bò.

Ngoài ra, người nuôi cần dự trữ nguồn phụ phế phẩm sẵn có như rơm lúa, thân đậu phộng, thân cây bắp, vỏ khoai mỳ, rỉ mật… Ðể bổ sung khoáng cho đàn bò, có thể sản xuất khối đá liếm theo sự tư vấn của các chuyên gia. Ðồng thời, đàn bò cũng cần sử dụng cám hỗn hợp mua sẵn từ nhà máy hoặc tự sản xuất.

Chăm sóc

Mô hình thâm canh được nuôi hoàn toàn tại chuồng bằng thức ăn tự cung cấp sau khi đã được chế biến, thời gian vận động trong khuôn viên chăn nuôi của đàn bò vào buổi sáng 2 giờ/ngày, đối với mùa đông 9 – 10 giờ sáng, đối với mùa hè 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút sáng.

Cung cấp thức ăn tinh cho bò ăn hết khẩu phần trước khi cho ăn thức ăn thô xanh ngày 2 lần, nước uống tự do bằng máng uống được vệ sinh sạch sẽ.

Theo dõi, ghi chép đầy đủ các biến động của đàn bò để có biện pháp xử lý kịp thời và phù hợp với đàn bò.

Vệ sinh phòng bệnh

Thức ăn cho bò phải sạch, không thối, chua, mốc, không lẫn các tạp chất như đinh, dây kẽm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bò. Khi bắt đầu mùa mưa, cần chú ý bò dễ bị chướng hơi do ăn nhiều cỏ non. Nước uống cho bò phải sạch sẽ. Tốt nhất là cho uống nước giếng khoan.

Bò cần được tắm chải thường xuyên để da bài tiết tốt. Kiểm tra tình trạng ve để xử lý cũng như tình trạng mòng ở rừng cũng như ở chuồng trại.

Chuồng trại cần được giữ khô ráo, sạch sẽ.

Ðịnh kỳ 2 tuần 1 lần phun tiêu độc khu vực chuồng trại bằng hóa chất diệt khuẩn, tẩy ký sinh trùng 2 lần/năm.

Tiêm phòng là cách gây miễn dịch chủ động cho bò bằng các loại vaccine. Ðây là biện pháp tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cho đàn bò. Ðặc biệt là phải tiêm phòng các bệnh theo đúng pháp lệnh thú y.

 

 

Người chăn nuôi

Comments are closed.