Điểm tin Chăn Nuôi – Thú Y (Tháng 05/2023)

Chuyên mục: Tin tức, Tin tức ngành 0

THUỐC THÚ Y APA | Tổng hợp tin tức ngành Chăn Nuôi – Thú Y tháng 05/2023.

Thuốc Thú Y APA cập nhật tin tức tổng hợp ngành Chăn Nuôi – Thú Y từ ngày 01/05/2023 – 31/05/2023.

Long An: Người chăn nuôi gà gặp khó

Từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đến nay, người nuôi gà trên địa bàn tỉnh Long An gặp nhiều khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao. Trong khi đó, giá bán gà và trứng liên tục giảm khiến người nuôi không muốn tái đàn hoặc chỉ nuôi cầm chừng.

Thời gian gần đây, nhiều người chăn nuôi gà ở huyện Cần Giuộc, Cần Đước lựa chọn giảm đàn hoặc “treo” chuồng do nuôi gà không có lợi nhuận. Nhiều tháng liền, giá gà thịt và trứng bán ra ở mức thấp, trong khi giá thức ăn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Anh Lê Văn Hoàng (xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) vừa xuất bán khoảng 2.000 con gà thịt với giá 48.000 đồng/kg. Anh Hoàng chia sẻ: “Giá gà giống, thức ăn, thuốc thú y đều tăng cao trong khi giá gà bán ra thấp nên tôi không có lãi. Tôi dự định “treo chuồng” một thời gian, chờ giá gà tăng mới tái đàn”.

Người chăn nuôi gà gặp khó do chi phí sản xuất tăng.

Thông thường, khi trọng lượng gà đạt từ 1,8-2,2kg/con, người nuôi sẽ xuất bán và chuẩn bị nuôi lứa tiếp theo. Tuy nhiên, do giá gà đang thấp nên nhiều hộ chưa muốn bán. Song, gà có trọng lượng lớn hơn lại không được thương lái lựa chọn, sức cạnh tranh trên thị trường giảm. Theo nhiều người chăn nuôi gà thịt, chi phí thức ăn chiếm từ 65-70% trong cơ cấu giá thành sản xuất. Từ năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến người chăn nuôi có thể lỗ từ 15-20 triệu đồng trên tổng đàn 1.000 con.

Không chỉ người nuôi gà thịt gặp khó, người nuôi gà lấy trứng cũng rơi vào tình trạng tương tự. Giá trứng gà cũng giảm từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đến nay, hiện chỉ còn khoảng 1.800-2.100 đồng/trứng (giảm hơn 500 đồng/trứng so với trước). Anh Dương Hoài Thanh (xã Phước Đông, huyện Cần Đước) bộc bạch: “Trước đây, tôi nuôi mỗi lứa khoảng 8.000 con gà lấy trứng nhưng đợt tái đàn này chỉ dám nuôi 5.000 con. Chi phí sản xuất tăng còn giá trứng gà lại giảm nên gia đình tôi có lợi nhuận thấp”.

Với đàn gà lấy trứng trên 11.000 con, ông Dương Văn Tỷ (xã Phước Đông, huyện Cần Đước) hơn 2 tháng nay cũng không có lợi nhuận. Ông Tỷ cho biết: “Thời tiết ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe đàn gà, trứng gà vì vậy mà cũng nhỏ hơn, giá bán thấp hơn. Cùng với đó, gần đây giá điện, nước cũng tăng, gây áp lực không nhỏ cho người chăn nuôi”. Phụ trách Trạm Chăn nuôi, Thú y huyện Cần Đước – Lê Thị Thanh Hiệp cho biết, hiện nay, tổng đàn gia cầm toàn huyện khoảng 997.000 con. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, chưa phát sinh các ổ dịch. Đồng thời, huyện đã triển khai xong chiến dịch tiêm phòng đợt 1 với trên 66.000 liều vắc-xin được tiêm.

“Số lượng tổng đàn gia cầm của huyện tuy có giảm so cùng kỳ những năm trước nhưng lại tăng so với giai đoạn đầu năm 2023. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện. Thời gian tới, Trạm Chăn nuôi, Thú y huyện tiếp tục triển khai các kế hoạch tiêm phòng; tăng cường tập huấn để nâng cao trình độ quản lý, kinh doanh, sản xuất,… cho người chăn nuôi nhằm giúp họ nắm bắt tốt thị trường và tổ chức sản xuất hiệu quả” – bà Hiệp cho biết thêm./.

Minh Tuệ (Báo Long An online)


Bà Rịa – Vũng Tàu: Tiêm phòng vắc xin đợt 1 cho vật nuôi

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, từ nay đến 19/6, sẽ tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh đợt 1/2023 cho đàn vật nuôi.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ tiêm vắc xin phòng bệnh và tiền công tiêm phòng gồm: Các cơ sở chăn nuôi tư nhân trên địa bàn tỉnh có nuôi trâu, bò; heo nái và heo đực giống; các cơ sở chăn nuôi heo thịt có tổng đàn dưới 150 con và các cơ sở chăn nuôi dê, cừu có tổng đàn dưới 100 con sẽ được hỗ trợ tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng.

Đối với bệnh Niu-cát-xơn, sẽ tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh cho các cơ sở chăn nuôi gà có tổng đàn dưới 2.000 con, đặc biệt chú trọng đàn gà tại các địa phương đang xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

Các cơ sở chăn nuôi heo có tổng đàn dưới 150 con sẽ được tiêm phòng vắc xin dịch tả heo cổ điển. Đối với các cơ sở chăn nuôi trâu, bò tư nhân trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục.

Cơ sở chăn nuôi gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) nhỏ lẻ có tổng đàn dưới 2.000 con, sẽ được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm và các cơ sở chăn nuôi heo có tổng đàn dưới 150 con tại các xã, phường Bình Châu, Hòa Hiệp, Tâm Lâm, Bàu Lâm thuộc huyện Xuyên Mộc; Sơn Bình, Quảng Thành, Xà Bang, Cù Bị thuộc huyện Châu Đức; Mỹ Xuân, Hắc Dịch, Sông Xoài thuộc TX. Phú Mỹ. Cơ sở chăn nuôi heo nái, heo đực giống trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ tiêm phòng vắc xin heo tai xanh.

Sau đợt tiêm phòng này, dự kiến vào tháng 10/2023, Chi cục sẽ tổ chức thêm một đợt tiêm phòng nữa.

VÂN ANH (Báo Bà Rịa – Vũng Tàu điện tử)


Vĩnh Long: Phòng chống dịch bệnh vật nuôi giai đoạn chuyển mùa

Thời tiết chuyển mùa, mưa nhiều ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đàn vật nuôi, vì vậy người chăn nuôi cần phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi để hạn chế phát sinh và lây lan.

Theo ngành chăn nuôi, thời tiết đang bước vào mùa mưa, đây được xem thời điểm dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát và lây lan. Cần có giải pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong mùa mưa nhằm giảm thiệt hại cho các hộ nuôi.

Có 4 con bò vừa mới tiêm vaccine, chú Nguyễn Văn Ro (xã Tân Hưng, huyện Bình Tân) cho hay: “Bước vào mùa mưa tôi đã tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh cho đàn bò, hạn chế cho người lạ vào khu vực chăn nuôi và đảm bảo thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng để đàn bò tăng sức đề kháng”.

Người chăn nuôi cần chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi giai đoạn chuyển mùa.

Có hơn 1.000 con gà, chị Lê Thị Diễm (xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm) cho biết: “Thời tiết ẩm ướt là tác nhân gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của gia cầm.

Do đó, tôi đã chủ động phòng dịch, bên cạnh tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ, tôi cũng thường xuyên rắc vôi bột xung quanh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun xịt thuốc sát khuẩn theo định kỳ. Nhờ vậy mà đàn gà của tôi luôn được an toàn, khỏe mạnh, ít khi bị dịch bệnh tấn công”.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 200.000 con heo, trên 84.000 con bò và trên 11 triệu con gia cầm. Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, không phát hiện bệnh lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục trên gia súc và bệnh cúm gia cầm.

Theo đó, để chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan diện rộng, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và hoạt động sản xuất của người chăn nuôi, ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện kế hoạch tổng vệ sinh, khử trùng môi trường phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Qua đó, nhằm chủ động loại trừ mầm bệnh trong môi trường chăn nuôi, hạn chế phòng ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm, viêm da nổi cục trên trâu, bò, lở mồm long móng và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác… bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi và sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại kinh tế do dịch bệnh cho người chăn nuôi.

Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng định kỳ trong môi trường chăn nuôi, tích cực hưởng ứng các đợt tiêu độc khử trùng do tỉnh phát động, góp phần khống chế mầm bệnh, không để phát sinh dịch bệnh, nâng cao hiệu quả công tác chăn nuôi.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản, vào giai đoạn chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi, sức đề kháng của vật nuôi giảm, khiến cơ thể yếu, cộng thêm yếu tố mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể khiến vật nuôi dễ có nguy cơ mắc bệnh.

Đặc biệt là gia súc, gia cầm sơ sinh và gia súc đang có thai rất nhạy cảm khi thời tiết mưa nắng thất thường. Bên cạnh việc nuôi dưỡng trong điều kiện tốt, người chăn nuôi phải nâng sức đề kháng cho vật nuôi.

Cụ thể, người chăn nuôi cần thường xuyên kiểm tra chuồng trại chăn nuôi. Tu sửa, tránh để ẩm ướt, hạn chế tối đa sự tồn tại của mầm bệnh.

Di dời đàn vật nuôi lên cao để tránh úng ngập. Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp cần bổ sung thêm chất độn chuồng hoặc sưởi để giữ ấm cho vật nuôi.

Thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ 1-2 lần/tuần phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột để tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi.

Bên cạnh đó, luôn để gia súc, gia cầm nơi khô ráo, sạch sẽ bằng mọi biện pháp vì gia súc, gia cầm trong môi trường ẩm ướt, lạnh chân sẽ rất dễ mắc bệnh. Chú ý giữ ấm cho gia súc, gia cầm; hạn chế tăng đàn trong mùa mưa.

Cung cấp đầy đủ thức ăn sạch, dễ tiêu, đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng lứa tuổi của vật nuôi. Đối với heo con và gà con ở giai đoạn úm nên sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng.

Cung cấp đủ nước uống sạch, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa… cho gia súc, gia cầm để nâng cao sức đề kháng.

Song song đó, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi.

Khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh, phải báo ngay cho thú y viên hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh.

Phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong mùa mưa cần được người chăn nuôi thực hiện thường xuyên, liên tục để đảm bảo an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm và giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG (Báo Vĩnh Long)


Hậu Giang: Triển khai hiệu quả khâu phòng bệnh trong chăn nuôi

Thành phố Ngã Bảy tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm theo kế hoạch và triển khai hiệu quả các biện pháp hướng dẫn người dân chăn nuôi an toàn sinh học.

Thông tin từ Trạm Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản thành phố Ngã Bảy, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm. Nhiều biện pháp phòng bệnh trên gia súc, gia cầm được người dân chủ động áp dụng để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi. Công tác phát triển đàn trên địa bàn thành phố được thực hiện tốt. Cụ thể, tính tới thời điểm này, riêng phát triển chăn nuôi gia cầm đã vượt chỉ tiêu kế hoạch (kế hoạch giao 350.000 con, tính đến ngày 31-3 đã thực hiện được trên 380.000 con).

Theo ông Võ Văn Thương, Trưởng trạm Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản, từ đầu năm, Trạm đã tham mưu kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn thành phố; đồng thời tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản. Trạm đã tiến hành điều tra, thống kê tổng đàn, giao cán bộ của trạm cùng lực lượng thú y cơ sở quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm, bệnh dại trên chó, mèo; bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò…

Vừa qua, trên địa bàn thành phố đã triển khai xong Tháng tiêu độc sát trùng môi trường chăn nuôi (kết thúc vào ngày 31-3). Kết quả, thực hiện phun tiêu độc, khử trùng được trên 460.000m2. Trong đó, lực lượng thú y trực tiếp phun tiêu độc trên 334.000m2; giám sát các cơ sở tự tiêu độc trên 128.000m2. Tiêu độc khử trùng môi trường là biện pháp chủ động nhằm cắt đứt yếu tố lây truyền của mầm bệnh, góp phần quan trọng đảm bảo vệ sinh thú y trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật. Đây là một trong những biện pháp được ngành thú y thành phố và người chăn nuôi triển khai rất tốt nhằm đảm bảo an toàn dịch tễ, phát triển chăn nuôi động vật.

Anh Nguyễn Thành Lập, ở ấp Sơn Phú 1, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, cho biết: Việc phun xịt khử khuẩn, rãi vôi bột quanh khu vực nuôi nhốt hay những chỗ ẩm thấp giảm được nhiều rủi ro dịch bệnh. Ngoài những đợt phun khử trùng do cán bộ thú y cơ sở thực hiện, tôi luôn dự trữ hóa chất, vôi bột để phun tiêu độc chuồng trại, rải ở lối ra vào. Với đàn gà gần 100 con, sau mỗi đợt nuôi và xuất bán, tôi dành khoảng 1 tháng để cách ly với đợt nuôi mới. Trong thời gian này, tôi vệ sinh, làm sạch chuồng rồi mới thả con giống vào. Để thận trọng hơn, ngoài bệnh cúm gia cầm, tôi chủ động liên hệ thú y cơ sở để tiêm phòng các bệnh thông thường khác như ecoli, dịch tả, gumboro…

Bên cạnh đó, lực lượng chuyên môn còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi trên địa bàn để nâng cao ý thức phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Cán bộ thú y cơ sở bám sát địa bàn, hướng dẫn trực tiếp đến các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng các loại vắc-xin phòng bệnh và thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý cho đàn vật nuôi.

Chị Nguyễn Thị Thoa, ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, chia sẻ: “Hiện nay, tôi có đàn gia cầm hơn 1.000 con và đàn heo trên 30 con phát triển rất tốt. Hơn 18 năm theo nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, tôi đúc kết được rằng để thành công, người chăn nuôi phải áp dụng tổng hòa các yếu tố từ tiêm phòng đến vệ sinh sát trùng môi trường. Ngoài yếu tố tiêm phòng và giữ vệ sinh chuồng trại thì khâu chọn con giống là cực kỳ quan trọng quyết định đến thành quả chăn nuôi. Tôi chỉ tin con giống ở những cơ sở có uy tín, nơi cung cấp phải đảm bảo khâu tiêm phòng bệnh từ giai đoạn đầu”.

Thông tin từ Trạm Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản thành phố Ngã Bảy, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục rà soát nắm chắc đàn gia súc, gia cầm mới phát sinh nhằm đánh giá tình hình biến động đàn, làm cơ sở giám sát dịch bệnh và thực hiện công tác chuẩn bị vắc-xin tiêm phòng. Rà soát lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống gia súc, gia cầm đang hoạt động, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra các điều kiện vệ sinh thú y.

Bài, ảnh: KỲ ANH (Hậu Giang Online)


CẬP NHẬT GIÁ HEO HƠI ⇒ CÁC LOẠI THUỐC THÚ Y VÀ CÔNG DỤNG


 

Comments are closed.